Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, thời gian qua Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các giải pháp về hoàn thiện khung pháp lý, nâng cấp hạ tầng thị trường và tăng cường quản lý, giám sát để phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo đó, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có bước phát triển nhanh để từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế với khối lượng phát hành hàng năm bình quân trên 340 nghìn tỷ đồng từ năm 2017 đến nay. Quy mô thị trường đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực về quy mô huy động vốn nhưng sự phát triển nhanh của thị trường cũng đã phát sinh các rủi ro mới chủ yếu xuất phát từ việc thực thi chính sách và một số quy định cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển của thị trường.
Bám sát các chủ trương của Đảng, Nhà nước, định hướng tại Chiến lược Tài chính đến năm 2030, công tác điều hành thị trường TPDN của Bộ Tài chính trong thời gian tới tiếp tục duy trì theo hướng vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng huy động vốn, vừa đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153. Theo đó, Chính phủ chủ trương không thắt chặt việc phát hành TPDN, điều kiện phát hành tuân thủ quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.
Song song với việc triển khai các quy định mới tại Nghị định số 65, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thị trường TPDN an toàn, minh bạch, bền vững thông qua các giải pháp về (i) rà soát, hoàn thiện khung pháp lý tại cấp luật và các văn bản hướng dẫn tập trung vào việc đánh giá điều kiện phát hành và điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; (ii) đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường TPDN và triển khai các đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến TPDN tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán, các công ty kiểm toán độc lập; (iii) thúc đẩy việc hình thành các định chế đầu tư dài hạn chuyên nghiệp trên thị trường; (iv) tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong điều hành và quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng và (v) chủ động thông tin tuyền truyền, định hướng thị trường.
Theo đó, trong thời gian tới, việc tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát và định hướng thị trường sẽ là một trong những trọng tâm của cơ quan quản lý. Cụ thể, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để nâng cao chất lượng phát hành của doanh nghiệp phát hành, chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Những hành vi vi phạm phải được xử phạt nghiêm minh, những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải được hỗ trợ để tiếp tục phát triển. Đồng thời, các chính sách cũng sẽ tập trung khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa các loại hình trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn, thúc đẩy việc chào bán trái phiếu ra công chúng, cũng như nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ (các công ty chứng khoán, tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá, công ty quản lý quỹ, tổ chức xếp hạng tín nhiệm...).
Chính phủ và các cơ quan quản lý khẳng định quyết tâm phát triển thị trường TPDN để đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn ngày càng lớn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, phát triển thị trường về chiều rộng cần có định hướng nâng cao chất lượng các chủ thể trên thị trường để phát triển về chiều sâu. Bộ Tài chính khuyến khích các doanh nghiệp có tình hình tài chính ổn định, có nhu cầu huy động vốn chính đang tiếp tục mở rộng hoạt động phát hành TPDN phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cơ quan quản lý sẽ thực hiện hiệu quả công tác quản lý giám sát để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững./.